Appendix 1 – Chapter 7 Listening Transcripts

Người dẫn chuyện: Nằm bên bờ Nam sông Đuống, làng Tranh Đông Hồ nên thơ hữu tình nhưng ẩn chứa biết bao bài học và kinh nghiệm sống mà ông cha ta đã để lại. Tranh dân gian Đông Hồ ra đời từ khoảng thế kỷ 17 tại làng Đông Hồ tỉnh Bắc Ninh, một vùng đất trù phú, nông nghiệp phát triển, đời sống văn hóa cao. Tất cả tạo thành cái nôi cho một dòng tranh chân quê, đậm đà chất dân tộc. Điều này phản ánh cuộc sống và tâm hồn gần gũi với thiên nhiên của con người Việt Nam. Tranh Đông Hồ thể hiện sinh động cuộc sống lao động, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người nông dân một cách bình dị, chất phác. Chúng ta có thể tìm thấy những hình ảnh quen thuộc trong tranh Đông Hồ như đám cưới chuột, những đàn lợn, đàn gà, những cô thiếu nữ hứng dừa hay cả cảnh đánh ghen của đôi vợ chồng trẻ. Tranh dân gian Đông Hồ càng xem càng cảm nhận thấy ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Chứa được những ẩn ý, nhắc nhở, răn dạy về mọi sự đúng sai, phải trái ở đời. Mang đậm một cái nhìn lạc quan, trìu mến và tha thiết đối với cuộc sống.

MC nữ: Tranh Đông Hồ, nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam, độc đáo, hấp dẫn ở màu sắc, bố cục, khuôn hình. Với chất liệu hoàn toàn tự nhiên thì màu sắc của tranh Đông Hồ ấm áp, gần gũi theo một cách rất đặc biệt mà có lẽ chỉ Việt Nam mới có.

MC nam: Và để hoàn thành một bức tranh, người làm tranh phải là một người cực kỳ công phu, cẩn thận và thực hiện rất nhiều giai đoạn.

MC nữ: Và để biết cụ thể hơn như thế nào thì chúng ta hãy cùng tìm gặp ông Nguyễn Đăng Chế, một nghệ nhân làm tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh.

Nghệ nhân: Mời các cháu.

Hai MC: Cảm ơn ông ạ. Con mời ông ạ.

MC nam: Ngày hôm nay tụi con có mang đến một bức tranh rất là ấn tượng, đó là Đám Cưới Chuột. Và cho tụi con hỏi là ý nghĩa của bức tranh này là gì?

Nghệ nhân: Nói đến Đông Hồ ở đây thì phải nói thế này, trong cái tranh dân gian Việt Nam thì nó có rất nhiều đề tài. Nhưng mà nếu mà ấn tượng nhất thì phải nói đến cái tranh này. Mà cái Đám Cưới Chuột này rất hay. Đám Cưới Chuột. Tức là nó không có thực. Làm gì con chuột cưới vợ? Cái bên dưới kia là cô dâu ngồi trong kiệu. Chú rể cưỡi ngựa này. Và trong đó cái phần dưới có con chuột. Trước cái biển kia có hai cái chữ là Ngênh Hôn. Tại sao các cụ lại vẽ con mèo? Con mèo nó gì? Nó tượng trưng cho cái giai cấp thống trị. Và dâu rể muốn đón được nhau đấy, thì phải gì? Mang cá, mang chim đến cống cho cái con mèo này. Và cái đề tài này là cái đề tài hối lộ đấy. Và một cái đặc biệt thứ hai là các bạn xem tranh. Thì tôi đố các bạn biết trong cái tranh này có 12 con chuột. Nó có con chuột không vẽ đuôi. Con chuột nào không vẽ đuôi? Các bạn thử xem con nào không vẽ đuôi? Đấy. Nó hài hước ở chỗ là vì cái con chuột mà đứng trước cái con mèo kia là rất khúm núm. Rất sợ sệt. Chắc gì nó để cho anh sống yên. Cho nên anh sợ quá, anh cụp cái đuôi đi.

MC nữ: Vậy đây là một bức tranh rất có ý nghĩa đúng không ạ? Thế thì con muốn hỏi là để làm ra một bức tranh Đông Hồ như thế này thì người nghệ nhân phải trải qua những công đoạn như thế nào ạ?

Nghệ nhân: Thì nó có từng công đoạn một. Ví dụ như là muốn ra một bức tranh thì đầu tiên là phải khắc cái bản khắc gỗ.

Người dẫn chuyện: Quy trình làm tranh Đông Hồ gồm 4 công đoạn. Đầu tiên là sáng tác mẫu và tạo bản khắc gỗ. Đây là công đoạn tạo hình và đường nét của tranh. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, tỉ mỉ trong từng nét khắc. Tiếp theo là công đoạn làm giấy. Giấy để làm tranh Đông Hồ gọi là giấy điệp. Vỏ sò điệp khi đem về phải trải qua nhiều công đoạn: phơi, ngâm, giả nhuyễn, ép kiệt nước, phơi khô, hòa vào keo, cuối cùng là quét lên giấy dó. Sau đó là công đoạn làm màu. Tranh Đông Hồ có 5 màu chủ đạo hoàn toàn tự nhiên. Màu đỏ làm từ sỏi son, màu vàng từ hoa hòe, đen từ than lá tre, xanh từ lá tràm, trắng từ vỏ sò điệp. Cuối cùng là công đoạn in tranh. Tranh in hoàn toàn bằng bản khắc gỗ, không dùng bút để vẽ hay tô màu. Khi in, người ta dùng ván in đã phết màu lên giấy điệp. Mỗi lần in một màu, các màu phải khít với nhau. Một tranh bao nhiêu màu thì cần mấy nhiêu bản khắc gỗ. Tranh Đông Hồ là nghệ thuật in tranh thủ công. Bức tranh hoàn thành là do sự ghép lại của các mảng màu theo đúng trình tự nhất định.

Nghệ nhân: Thì đấy là tất cả các công đoạn để tạo ra một cái tờ tranh.

MC nam: Và người Việt Nam còn có một câu thơ liên quan tới tranh Đông Hồ, đó chính là “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong, màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Nghệ nhân: Đúng như thế. Nó là câu nói rất bất hủ, một bài thơ của cụ Hoàng Cầm. Tại sao lại không nói con gì khác, mà lại nói con gà, con lợn? Là vì tranh Đông Hồ sản xuất con gà, con lợn phục vụ cho con người nông dân. Cho nên phải nói là cái đó phục vụ cho con người ở nông thôn.

MC nam: Sau khi nghe ông kể về các công đoạn làm một bức tranh Đông Hồ như thế này, thì con rất là hào hức và mong muốn được trải nghiệm cách nào để làm. Thì không biết nếu như ông có thể dẫn tụi con đi in một bức tranh được không?

Nghệ nhân: Vâng, xin mời các bạn.

MC nam: Có lẽ đây là công đoạn in màu, đúng không?

Nghệ nhân: Đúng. Nói về tranh Đông Hồ ở đây thì với các bạn là cách làm một tranh Đông Hồ đó, thì bao giờ nó có lần lượt in từng màu một. Người đầu tiên là in màu đỏ, xong bắt đầu đến người thứ hai là in màu xanh này. Cái tranh này là cái tranh Thầy đồ cóc. Đến người thứ ba là in màu trắng này. Và xong đến màu cuối cùng là màu đen này. Để hoàn thành một bức tranh, thì cái tranh này nó có bốn màu. Thì để mời các bạn ngồi đây tôi sẽ hướng dẫn các bạn cái cách làm tranh. Thì cái tranh Đông Hồ này nó có in bằng thủ công. Thì tất cả những cái cách làm ở đây thì nó có hai cái điểm này. Hai cái điểm này. Đây là hai cái dấu. Tranh Đông Hồ đó, người thứ nhất mà in cái màu đỏ này mà không có cái dấu này, thì cái người thứ hai cũng không làm được. Đến người thứ ba cũng phải dùng bằng hai cái dấu này. Cứ thế này. Đấy, lấy cái tay, đập vào cái bìa này. Đây gọi là cái bìa. Cách làm thì bao giờ cái tay cầm như thế này. Hai cái ngón tay trỏ và ngón tay cái đỡ vào đây. Đấy, và ngắm vào cái dấu này trước. Ngắm trên cái dấu này là thứ hai. Đấy, xong rồi. Bắt đầu lấy cái tay này lật cái tờ giấy này lên. Lật cái tờ này xuống. Lấy cái vỏ mướp này. Xoa. Xoa cho nó đều. Đấy, xong rồi từ từ bóc nó ra.

MC nam: Vậy thì chắc là cháu xin phép thử được không?

Nghệ nhân: Ừ được.

(Nhạc)

Nghệ nhân: Lấy cải vỏ mướp kia xoa cho thật đều tay vào. Xoa đều tay vào. Thế. Được rồi. Giỏi. Đẹp lắm.

MC nữ: Quá đẹp anh ạ.

MC nữ: Con rất cảm ơn ông vì hôm nay đã cho chúng con những trải nghiệm thú vị như thế này ạ.

MC nam: Cảm ơn ông nhiều ạ.

MC nữ: Có thể nói khắc gỗ, in tranh vừa là một nghề thủ công, vừa là một loại hình nghệ thuật dân gian rất Việt Nam.

MC nam: Tranh Đông Hồ là một di sản văn hóa không thể thiếu trong kho tàng trí thức của dân gian Việt Nam.

MC nữ: Và Tố My như biết rằng cuộc sống hiện đại có thể khiến cho thú vui chơi tranh, treo tranh ít dần lại. Nhưng hy vọng rằng với hồn Việt ẩn chứa trong mỗi bức tranh thì tranh Đông Hồ vẫn sẽ sống mãi với thời gian để màu dân tộc cứ thế bừng sáng trên giấy điệp.

MC nam: Và cho những ai trân trọng văn hóa Việt Nam hãy cùng theo dõi chương trình Hành Trình Văn hóa Việt trên Đài truyền hình Vĩnh Long 1 nhé.

(Quảng cáo)

License

Icon for the Creative Commons Attribution-NonCommercial 4.0 International License

Advanced Vietnamese Copyright © 2004 by Tung Hoang is licensed under a Creative Commons Attribution-NonCommercial 4.0 International License, except where otherwise noted.

Share This Book